Khai thác công nghệ mRNA phát triển vaccine phòng bệnh zona

Khai thác công nghệ mRNA phát triển vaccine phòng bệnh zona

Khai thác công nghệ mRNA phát triển vaccine phòng bệnh zona

Mặc dù hiện tại đã có các vaccine phòng ngừa zona, song BioNTech và Pfizer cho biết hai công ty muốn phát triển loại vaccine cải tiến có hiệu quả cao và khả năng dung nạp tốt hơn.

Khai thác công nghệ mRNA phát triển vaccine phòng bệnh zona - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: hrmasia.com

Công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức và hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ vừa cho biết sau thành công trong việc nghiên cứu và bào chế vaccine ngừa COVID-19 trong thời gian ngắn kỷ lục, hai công ty này đang cùng nghiên cứu phát triển một mũi tiêm phòng bệnh zona bằng công nghệ mRNA đầy hứa hẹn này.

Ngày 5/1, ông Ugur Sahin, người đồng sáng lập và Giám đốc điều hành BioNTech cho biết công ty đang hợp tác với Pfizer để phát triển một loại vaccine dựa trên công nghệ mRNA chống lại bệnh zona dựa vào chuyên môn và nguồn lực của hai công ty.

Bệnh zona hay zona thần kinh, còn được gọi là 'giời leo', là bệnh nhiễm trùng da do virus thần kinh Varicella zoster (VZV) - virus gây bệnh thủy đậu, thuộc họ virus herpes gây nên.

Bệnh hầu như không nguy hiểm tính mạng, song có thể khiến cơ thể khó chịu, gây đau đớn, biến dạng, thậm chí trong một số trường hợp hiếm gặp là liệt mặt, điếc và mù.

Mặc dù hiện tại đã có các vaccine được phê duyệt phòng ngừa zona, song BioNTech và Pfizer cho biết hai công ty muốn phát triển loại vaccine cải tiến có hiệu quả cao và khả năng dung nạp tốt hơn.

Theo một thông cáo chung, BioNTech và Pfizer cho biết đã ký thỏa thuận hợp tác về nghiên cứu, phát triển và thương mại hóa vaccine phòng bệnh zona, dự kiến bắt đầu tiến hành thử nghiệm lâm sàng vào nửa cuối năm nay. Công nghệ kháng nguyên do Pfizer phát triển và quy trình mRNA từ BioNTech sẽ được sử dụng trong bào chế vaccine mới. Hai công ty muốn chia sẻ chi phí phát triển cũng như lợi nhuận từ việc bán sản phẩm trong tương lai.

Trong khi đó, công ty Moderna cùng ngày cũng thông báo đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 để đánh giá vaccine chống bệnh bạch cầu đơn nhân do virus Epstein-Barr (EBV) gây ra. Virus này cũng liên quan tới một số loại ung thư, như ung thư biểu mô vòm họng, ung thư dạ dày... Nghiên cứu dự kiến sẽ được tiến hành với 270 người trưởng thành khỏe mạnh trong độ tuổi từ 18 đến 30 tuổi.

Công nghệ mRNA ra mắt lần đầu tiên với vaccine BioNTech/Pfizer phòng COVID-19 và được phê duyệt ở phương Tây vào cuối năm 2020. Với thành công trong phát triển vaccine phòng COVID-19, cả ba công ty BioNTech, Pfizer và Moderna đều đang tiếp tục khai thác sử dụng công nghệ mRNA để bào chế vaccine phòng ngừa và chữa trị các bệnh khác. Công nghệ mRNA cho đến nay vẫn chưa được khai thác ngoài vaccine ngừa COVID-19, song được coi là có triển vọng trong cuộc chiến chống lại nhiều loại bệnh. Một số dự án về vaccine dựa trên công nghệ mRNA chống bệnh cúm hoặc HIV cũng đang được phát triển.

 

Nguồn: Thông tấn xã Việt Nam

 
0
Zalo
Hotline