(ĐCSVN) - Dự án “Nghiên cứu phát triển và làm chủ công nghệ sản xuất quy mô công nghiệp một số chế phẩm vi sinh, enzym và protein” thành công là bước đột phá, tạo nền tảng trong nghiên cứu công nghệ sinh học và công nghệ chiết xuất, bào chế thực phẩm chức năng có chất lượng cao, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cộng đồng.
Thông qua sự hỗ trợ của Bộ Khoa học và Công nghệ, Viện Thực phẩm chức năng (VIDS) đã phối hợp với Công ty TNHH Tư vấn Y dược quốc tế (IMC) cùng thực hiện dự án “Nghiên cứu phát triển và làm chủ công nghệ sản xuất quy mô công nghiệp một số chế phẩm vi sinh, enzym và protein”.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và những nghiên cứu dịch tễ học ở Việt Nam, những năm gần đây, dưới tác động bởi nhiều yếu tố như: Ô nhiễm môi trường, sự tấn công của virus, lạm dụng kháng sinh, áp lực công việc,... đã gây ra nhiều căn bệnh như: Tim mạch, huyết áp, đột qụy; suy giảm miễn dịch, ung thư; tiểu đường... làm cho chi phí chữa bệnh rất tốn kém, nên vấn đề phòng bệnh và phục hồi chức năng cho người bệnh đang được chú trọng hơn. Do đó, sản xuất thực phẩm chức năng ngày càng phát triển. Trong đó, xu hướng sản xuất các sản phẩm thực phẩm chức năng từ nguyên liệu tự nhiên kết hợp với nguyên liệu sinh học đã và đang ngày càng phát triển mạnh hơn.
Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Viện trưởng Viện Thực phẩm chức năng cho biết: "Trên thế giới, một số nước có nền y học phát triển (Mỹ, Nga, Canada, Pháp, Nhật...) đã nghiên cứu và sản xuất nguyên liệu công nghệ sinh học: Probiotic, enzym, protein (từ vách tế bào vi khuẩn) để sử dụng với nhiều dạng bào chế khác nhau nhằm tăng cường sức khỏe cho con người. Trong khi đó, Việt Nam còn phụ thuộc nhiều vào nguyên liệu công nghệ sinh học ngoại nhập. Bởi vậy, vấn đề tự chủ nguồn nguyên liệu công nghệ sinh học có chất lượng ổn định trong nước là nhiệm vụ rất quan trọng và cấp thiết".
Theo đó, Viện đã được Bộ Khoa học và Công nghệ ủng hộ, hỗ trợ phối hợp với Công ty TNHH Tư vấn Y dược quốc tế (IMC) cùng thực hiện dự án “Nghiên cứu phát triển và làm chủ công nghệ sản xuất quy mô công nghiệp một số chế phẩm vi sinh, enzym và protein”.
Quy trình nghiên cứu phát triển và làm chủ công nghệ sản xuất quy mô công nghiệp một số chế phẩm vi sinh, enzym và protein”. Ảnh: TL
Nhiệm vụ của dự án gồm: Nghiên cứu làm chủ công nghệ sản xuất nguyên liệu probiotics, enzym, protein (vách tế bào vi sinh vật) trên qui mô công nghiệp; ứng dụng nguyên liệu công nghệ sinh học nghiên cứu được, kết hợp với các cao chiết xuất từ dược liệu để sản xuất thực phẩm chức năng có công dụng phòng và hỗ trợ điều trị bệnh, góp phần nâng cao sức khỏe cho cộng đồng.
Dự án cũng đặt ra mục tiêu cụ thể, sản xuất được 9 nguyên liệu (bao gồm 6 nguyên liệu vi sinh, 2 nguyên liệu protein, 1 nguyên liệu enzym) và 8 sản phẩm thực phẩm chức năng quy mô công nghiệp. Bên cạnh đó, xây dựng 17 tiêu chuẩn chất lượng của nguyên liệu và thành phẩm (TCCS) đạt tiêu chuẩn Việt Nam tương đương tiêu chuẩn quốc tế và được Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế cấp số xác nhận công bố. Đặc biệt, xây dựng được 02 nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt thực phẩm chức năng theo yêu cầu của hòa hợp ASEAN (GMP-Health Supplements).
Chia sẻ về những đóng góp mới, đại diện Viện Thực phẩm chức năng cho hay, để làm chủ công nghệ sản xuất 9 nguyên liệu và 8 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe quy mô công nghiệp, dự án đã nghiên cứu và ứng dụng làm chủ công nghệ sinh học đặc biệt là công nghệ lên men, công nghệ enzym, công nghệ protein, công nghệ đông khô...
Đồng thời, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ chiết xuất dược liệu, công nghệ sản xuất cao khô, công nghệ bào chế các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có kết hợp nhiều thành phần nhằm cung cấp cho thị trường các sản phẩm có nguồn gốc sinh học, nguồn gốc tự nhiên có chất lượng ổn định, dùng trong điều trị và hỗ trợ điều trị các bệnh do suy giảm miễn dịch hay bệnh đường tiêu hóa như DeltaImmune, ImmuneGamma, probiotic....
Cùng với đó, chủ động được nguồn nguyên liệu trong nước, không phụ thuộc vào nguyên liệu nhập khẩu, ổn định được quá trình sản xuất các sản phẩm Thực phẩm bảo vệ sức khỏe tạo nguồn cung cho thị trường ổn định; đào tạo đội ngũ nghiên cứu và sản xuất có trình độ kỹ thuật cao.
Dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Viện trưởng Viện Thực phẩm chức năng chia sẻ về quy trình nghiên cứu. Ảnh: TL
Với sự hỗ trợ tích cực của Bộ Khoa học và Công nghệ, đặc biệt là Ban quản lý Khu Công nghệ cao Hòa Lạc trong các hoạt động nghiên cứu, dự án đã hoàn thành mục tiêu, kế hoạch, đáp ứng được nhu cầu thực tiễn triển khai nghiên cứu và phát triển sản phẩm.
Đặc biệt, dự án đã sản xuất được 13.728.354 đơn vị sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chất lượng ổn định, hỗ trợ điều trị, và phòng ngừa bệnh; tạo ra dịch vụ công nghệ cao, chủ động cung cấp cho thị trường trong nước tiến tới xuất khẩu các nguyên liệu có nguồn gốc sinh học Delaimmune, ImmuneGamma, probiotic, Nattokinase và các sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe có chất lượng, phòng ngừa và hỗ trợ điều trị bệnh với thương hiệu “Made in Vietnam” có chất lượng tốt.
"Dự án thành công là bước đột phá, tạo nền tảng trong nghiên cứu công nghệ sinh học và công nghệ chiết xuất, bào chế thực phẩm chức năng có chất lượng cao, phục vụ nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cộng đồng", dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng khẳng định.
Chia sẻ thêm về dự án, dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng cũng cho biết, dự án sẽ góp phần tạo thế cạnh tranh cho các đơn vị sản xuất thực phẩm chức năng, chủ động trong nghiên cứu và phát triển sản phẩm chăm sóc sức khỏe, tiến tới hạn chế nhập khẩu; đào tạo được tập thể nghiên cứu khoa học mạnh, có khả năng hợp tác với các tổ chức khoa học quốc tế./.
Theo BÁO ĐIỆN TỬ ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM